pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đắk Lắk: Người có uy tín góp phần tích cực trong công tác bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Người có uy tín đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình, người chồng ở nhà vợ, con cái mang họ mẹ và con gái được bắt chồng. Phụ nữ Ê-đê khi lấy chồng phải thực hiện việc thách cưới bên nhà trai, thường là heo, bò và tiền (từ 20 triệu đến 70 triệu, có người thách cưới đến 300 triệu); nếu gia đình nhà gái không có đủ tiền thách cưới thì được phép nợ lại và trả dần trong quá trình chung sống, vì vậy nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới nhau về phải lao động vất vả để trả nợ.
Thách cưới của đồng bào tộc Ê-đê là một hủ tục lạc hậu, đè nặng và gây nhiều hệ lụy xấu trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Các già làng, người có uy tín là đồng bào dân tộc Ê-đê nhận thức rõ phong tục thách cưới không còn phù hợp với cuộc sống mới, do đó bản thân các già làng, người có uy tín tiên phong, gương mẫu thực hiện bằng cách tuyên truyền và kêu gọi các thành viên trong gia đình, trong dòng họ thực hiện nếp sống văn minh, không thách cưới với số tiền lớn, giá trị cao.
Để giúp đồng bào hướng đến cuộc sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa mới, già làng, người có uy tín đã kiên trì tuyên truyền, vận động người dân ở buôn làng trong suốt một thời gian dài giảm bớt lễ nghi không cần thiết trong hôn nhân, hôn nhân tự quyện dựa vào tình yêu để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Mặc dù tục thách cưới trong đồng bào dân tộc Ê-đê vẫn còn nhưng số tiền thách cưới không còn là gánh nặng như trước đây, hai bên gia đình đều hướng đến hạnh phúc của lứa đôi nên số tiền thách cưới mang tính tượng trưng và thách cưới là một trong lễ nghi trong hôn nhân.
Già làng Y Ghi Du, xã Đắk Liêng (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, khi tham gia thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", ông càng có điều kiện tích cực tuyên truyền, vận động để thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" của đồng bào. Do đó, đến nay, tập tục thách cưới đã không còn nặng nề như trước, thậm chí có nơi đã bỏ được tập tục này. "Bây giờ nhiều nơi chỉ còn thách cưới khoảng 10 triệu đồng cho có thôi, có nơi đã bỏ được. Hiện Hội LHPN ở địa phương cũng rất quan tâm, tập trung tuyên truyền và triển khai các hoạt động để bỏ những tập tục lạc hậu, giúp cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt đẹp hơn", già làng Y Ghi Du chia sẻ.
Trước đây, tại tỉnh Đắk Lắk, một số vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống như huyện Cư M'Gar, Krông Bông, Ea Súp, M'Đrắk, Krông Năng… còn tình trạng tảo hôn và tư tưởng "trọng nam khinh nữ", đồng bào Mông quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động, sinh nhiều con để có con trai và người con trai đó phải có anh em trai. Vì vậy đa số phụ nữ dân tộc Mông lấy chống sớm, khi mới 13 -14 tuổi và hầu hết gia đình người Mông sinh từ 3 con trở lên, vì đông con nên không đủ ăn, con cái không được đến trường, bệnh tật, phạm pháp… nghèo đói cứ thế kéo dài.
Bằng những trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm sống, già làng, người có uy tín đã cùng cán bộ chuyên trách dân số - Kế hoạch hóa gia đình, chi bộ, chi hội đoàn thể thôn buôn đến từng hộ gia đình, tuyên truyền phổ biến các quy định về luật hôn nhân gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời chỉ ra các tác hại của việc sinh nhiều con, hướng dẫn đồng bào áp dụng các biện pháp tránh thai, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, để tập trung nuôi dạy con tốt, xây dựng đời sống văn minh, gia đình hạnh phúc. Nhờ đó, đến nay, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc Mông giảm đáng kể; nhiều địa bàn đã không còn tình trạng tảo hôn, mê tín dị đoan.
Tăng cường tuyền truyền để thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"
Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tuy đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến trong nhận thức và nhận thấy các hủ tục lạc hậu, phong tục tập quán không còn phù hợp với cuộc sống mới song do các hủ tục, phong tục tập quán này đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức qua nhiều thế hệ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân căn bản là do đồng bào dân tộc thiểu số chậm thay đổi suy nghĩ, giữ nếp nghĩ, cách làm cũ.
Để thay đổi được "nếp nghĩ, cách làm", giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt đẹp hơn, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có công tác phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phong tục tập quán không còn phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn… đã tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần phát huy vai trò nồng cốt của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", già làng, người có uy tín ở các thôn buôn trên địa bàn tỉnh đã tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội chủ chốt các cấp, các chi hội trưởng, thành viên tổ truyền thông cộng đồng, người có uy tín, già làng, trưởng thôn/buôn thực hiện Dự án tại vùng triển khai dự án.
Theo Ban Dân vận tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương thức vận động người có uy tín nhằm nâng cao hiệu quả và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, thường xuyên giữ mối liên hệ và cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội để người có uy tín nắm, từ đó tuyên truyền nhân dân trong thôn, buôn; giúp già làng, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu nhận diện, xác định hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ. Đồng thời, tạo điều kiện để người có uy tín tham gia vào các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn và tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm để người có uy tín tiếp thu phương thức sản xuất tiên tiến, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Tỉnh Đắk Lắk có dân số hơn 1,9 triệu người, có hơn 667.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh. Dân tộc thiểu số sống lâu đời trên địa bàn là Êđê, M'Nông và Gia Rai.
Người có uy tín trong đồng bào dan tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk rất đa dạng, nhiều thành phần gồm già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn buôn, cán bộ hưu trí, chức sắc tôn giáo... Hiện trên địa bàn tỉnh có 921 người uy tín, trong đó có 154 già làng (Ê-đê, M'Nông, Nùng, Vân Kiều, Mông, Dao, Tày, Mường và Kinh).